EU vẫn chưa “thoát khỏi” vòng trừng phạt “luẩn quẩn” của chính mình

ANTĐ - Ngày 1-10, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU), Vladimir Chizhov cho rằng, EU vẫn không thể  “thoát khỏi”  vòng xử phạt “luẩn quẩn” do chính mình tạo ra bằng cách từ chối gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga hiện nay. 

Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU), Vladimir Chizhov 

Hôm 29-9, EU quyết định vẫn giữ các biện pháp trừng phạt Nga, mặc dù trong thời gian gần đây đã có một số “sự phát triển đáng khích lệ”.

Chẳng hạn như, trong cuộc phỏng vấn với RIA ngày 23-9, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, Josef Janning cho biết, hầu hết các thành viên của EU đều hoan nghênh việc hợp tác trở lại với Nga và xem xét việc gỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của họ đối với Moscow.

Nhưng EU lại quyết định duy trì lệnh trừng phạt với Nga do tình hình Ukraine đang diễn biến xấu. Bình luận về quyết định này, Đại sứ Chizhov nói: “Thật không may, EU đã quyết định tiếp tục lệnh trừng phạt “vô lí” này, mặc dù đã có một số tín hiệu cho thấy họ đang xem xét triển vọng và các chiến lược phát triển quan hệ với Nga”.

Nhà ngoại giao này bày tỏ: “Hãy xem cách mà các đối tác của chúng tôi hành động trong tương lai, nhưng hiện tại chúng tôi thực sự “không hứng thú” với hành vi hiện tại của họ”, và cho biết thêm rằng, nhiều khả năng, EU sẽ quay trở lại thảo luận về vấn đề này vào cuối tháng 10.

Trước đó, EU cùng với Mỹ đã đưa ra nhiều đợt cấm vận chống lại nước Nga với cáo buộc Moscow tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine, hỗ trợ cho phe ly khai, mặc dù Moscow đã nhiều lần lên tiếng từ chối. Hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào các công ty năng lượng và quốc phòng Nga cũng như một số quan chức của nước này.

Vào ngày 25-9, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc nhóm G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, cho biết các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga có thể dỡ bỏ nếu thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine tiếp tục duy trì.  

Ngày 28-9, Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov cho tuyên bố, tối hậu thư mà EU đưa ra là không hiệu quả đối với Nga, một quốc gia luôn sẵn sàng hợp tác. Moscow cho rằng, lệnh trừng phạt là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định toàn cầu và mâu thuẫn với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.